Kiến thức cho môi giới
11 tháng 5, 2020

Hãy định vị nghề môi giới bất động sản là chuyên gia

Đỗ Thanh

Tại Việt Nam người làm môi giới bất động sản đều được đánh đồng gọi là “cò”. Dù chỉ là danh xưng, nhưng lại là một vấn đề được rất nhiều người sống đúng với nghề luôn trăn trở. Do đó, để trở thành một người môi giới chuyên nghiệp thì hãy định hình ở một vị thế cao hơn như nghề môi giới là một cái nghề chuyên gia.

Tại sao bị gọi là cò?
Bà Tara Le – CEO Công ty CP Bất động sản Keller Williams Việt Nam giải thích “Cái từ cò là từ của nhân gian, do nghề của mình là kết nối giữa người mua và người bán, do vậy xưa nay các ông cha ta đi làm đồng, làm ruộng hoặc đi đâu đó, thấy có miếng đất này hay, rồi người kia có nhu cầu chỉ cần kết nối hai người đó lại với nhau, cho nên đó được gọi là cò”.

Về mặt tính chất thì môi giới bất động sản và cò đất đều là người kết nối giữa người mua và người bán nhà đất. Song, để được công nhận là một môi giới bất động sản chính hiệu thì cần trải qua một quá trình đào tạo bày bản, có đủ kiến thức, chuyên môn. Một môi giới giỏi phải am hiểu các kiến thức từ luật đất đai, luật kinh doanh bất động sản, cho đến kiến thức về lĩnh vực ngân hàng, bên cạnh đó còn phải là người giao tiếp tốt.

Làm môi giới bất động sản tại Việt Nam hiện nay rất dễ, từ anh chạy xe ôm cho đến chị bán trà đá ven đường cũng có thể làm người môi giới. Còn tại mặt bằng chung của các công ty hay sàn giao dịch bất động sản, thì chỉ cần đáp ứng điều kiện nhất định đó là bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, còn điều kiện đủ là chịu thương, chịu khó, bám trụ lâu với nghề.

Dạo một vòng các website về đăng tin tuyển dụng nhân viên môi giới bất động sản, chỉ cần tìm kiếm từ khóa “nhân viên môi giới” chưa đầy 30 giây là đã xuất hiện một loạt từ công ty lớn, công ty nhỏ cho đến sàn giao dịch đều có yêu cầu công việc chẳng hạn như: “có niềm đam mê kinh doanh”; “có tinh thần cầu tiến, năng động, nhiệt huyết với công việc”; “tự tin trong giao tiếp, thuyết phục tốt”;…

Có thể thấy được để vào các công ty hay sàn giao dịch, làm nhân viên môi giới bất động sản là một điều dễ dàng, không yêu cầu cao. Thế nhưng, một khi đã dấn thân, sống đúng với nghề thì lại là một câu chuyện khác.

Người ta nói nghề môi giới bất động sản “bạc như vôi”, tính đào thải cực kỳ cao, mang tính cạnh tranh từ đồng nghiệp cho đến thương trường cực kỳ lớn. “Theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia những Nhà kinh doanh bất động sản Hoa Kỳ (NAR), trên 50% người theo học lấy chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản đã phải bỏ cuộc, 30% chỉ làm việc bán thời gian, 20% còn lại vẫn tiếp tục hành nghề, nhưng chỉ có 7% trong số những người gắn bó với nghề là thành công, một con số khá khiêm tốn”.

Con số 7% là dành cho những người được đào tạo lấy chứng chỉ tại Mỹ, còn tại Việt Nam làm môi giới không cần chứng chỉ, chỉ cần có tâm với nghề.

Làm thế nào để được gọi là một chuyên viên tư vấn?
Thời gian qua những câu chuyện, những hình ảnh xấu về người môi giới, cò đất, đầu nậu đã được giới báo chí đưa tin rầm rộ. Nhưng ở đâu đó, cũng có những câu chuyện bên lề, mà có lẽ chỉ những người làm môi giới mới thực sự thấu được.

“Đối với một nhân viên kinh doanh như tôi, thì càng thấm thía hơn phải đối mặt với những áp lực diễn ra hằng ngày. Bởi sự tác động của nhiều yếu tố, từ những khoản chi phí cần phải được thanh toán trong tháng, từ môi trường cuộc sống không như ý, từ doanh số bán hàng phải hoàn thành theo chỉ tiêu, từ việc tranh giành khách hàng. Để có một khách hàng cho mình không phải là một điều dễ dàng” – chị Ly, một nhân viên môi giới chia sẻ.

Sau đó thở dài, chị lại chia sẻ tiếp câu chuyện còn đang dang dở: “Tôi đã từng gặp phải trường hợp khách hàng đã đóng tiền giữ chỗ nhưng đến phút cuối lại đổi ý và không muốn chuyển cọc mà chỉ muốn lấy lại tiền, nên cũng đành ngậm ngùi chấp nhận”.

Tại buổi “Họp báo ra mắt cuốn sách: Triệu phú môi giới bất động sản” diễn ra vào sáng ngày 26/9/2019 vừa qua, trong phần giao lưu đặt câu hỏi với các diễn giả, liên tục nhận được các câu hỏi, chia sẻ xoay quanh về chủ đề bất động sản.

“Hiện tại ở Việt Nam khi mà nhắc tới môi giới thì người ta không bao giờ nói đến chữ nhân viên môi giới mà họ đều gọi là cò và một vấn đề thực tế là ở Việt Nam thì cò nhiều hơn môi giới thật” – một cô gái đang cầm chiếc micro chia sẻ với giọng điệu đầy trăn trở.

Bà Tara Le tại buổi “Họp báo ra mắt cuốn sách: Triệu phú môi giới bất động sản”

Bà Tara Le nhận xét, người môi giới đó phải “Phân tích được cho khách hàng mua làm sao hiểu được giá trị bất động sản, nói được cho khách hàng những khuyết điểm, những thách thức của sản phẩm này đối với khách hàng khi mua là gì. Làm cho khách hàng biết được điều này có nên mua hay không nên mua”.

Mỗi nghề, mỗi câu chuyện không phải ai cũng biết được, đôi khi là những giọt nước mắt và nghề môi giới bất động sản cũng vậy, có khó khăn thử thách thì mới có vinh quang. “Muốn xuất phát điểm, cũng như gia nhập ngành nghề này, thì phải cài đặt cho mình một cái tư duy, đó là mình trở thành một người môi giới chuyên nghiệp và hãy định hình ở một vị thế cao hơn”. “Trong khi trên toàn thế giới, họ đang định vị rằng, nghề môi giới là một cái nghề chuyên gia và bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề”.

Trần Phong